Quản trị kinh doanh

Những giờ học thuyết trình - thảo luận tại HPU

Với mục đích lấy người học làm trung tâm, dạy học theo hướng “phát triển năng lực của người học”, những giờ học tại trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (được gọi tắt là HPU) hiện nay đã giảm bớt tiết học lý thuyết và thay vào đó là những tiết học thực hành hoặc thuyết trình thảo luận. Thuyết trình thảo luận là một kỹ năng cực kỳ quan trọng và cần thiết khi đi làm. Những ai có kỹ năng thảo luận/thuyết trình tốt sẽ thuận lợi hơn trong công việc, sớm trở thành nhân viên nổi trội. Giảng viên HPU chúng tôi luôn mong muốn sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thuyết trình để chuẩn bị hành trang cho tương lai sau này.

Để cho những giờ học theo phương pháp thảo luận/thuyết trình hiệu quả thì giảng viên chúng tôi đã phải chuẩn bị kịch bản tổ chức hoạt động dạy và hoạt động học một cách chi tiết, bài bản và chính xác. Kịch bản này được thể hiện chi tiết tại đề cương chi tiết của các học phần. Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học là trung tâm, thời gian vừa qua lãnh đạo HPU đã chỉ đạo các khoa trong trường xây dựng và chỉnh sửa đề cương, chương trình đào tạo nhằm đáp ứng đòi hỏi của việc tổ chức hoạt động dạy và hoạt động học theo hướng phát triển năng lực của người học, lấy người học là trung tâm.

Sinh viên chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp trong giờ thuyết trình

Trước khi học thuyết trình thảo luận, sinh viên cần phải nắm bắt được những kiến thức đã được học trong giờ lý thuyết. Vì vậy giờ học thuyết trình thảo luận luôn được học sau khi các giờ thuyết giảng giới thiệu về các nội dung mới. Hơn nữa, với mỗi nội dung thuyết trình thảo luận giảng viên đều giao trước cho sinh viên để đọc, nghiên cứu, chuẩn bị. Đây sẽ là cơ hội để người học “thấm” hơn kiến thức.

Sinh viên Ngoại ngữ - tiếng Hàn trong giờ thảo luận về văn hoá Hàn Quốc

Giờ học thuyết trình thảo luận sẽ thực sự "lấy người học làm trung tâm", thực sự “phát huy năng lực của người học” khi sinh viên sẽ tự trao đổi kiến thức về một lĩnh vực hoặc chủ đề nào đó. Đến khi các bạn không thể tìm ra được câu trả lời cho vấn đề hoặc có những thắc mắc mà không thể tự giải đáp thì giáo viên mới là người đưa ra câu trả lời cuối cùng. Giúp sinh viên là người chủ động trong việc học, tìm tòi, nghiên cứu kiến thức còn giáo viên chỉ là người trợ giúp, giải đáp những vấn đề sinh viên không tự lý giải được.

Một nhóm sinh viên Công nghệ thông tin thảo luận trong một buổi học lập trình

Thuyết trình thảo luận là lúc sinh viên sẽ được giải đáp những kiến thức đã học mà chưa hiểu. Nếu đã tự học, tự nghiên cứu mà vẫn chưa hiểu vấn đề sinh viên hãy mạnh dạn đặt câu hỏi với giảng viên. Thậm chí các bạn không chỉ hỏi về kiến thức lý thuyết mà còn có thể hỏi về thực tế áp dụng với những kiến thức đó. Việc các bạn sinh viên hỏi rất được khuyến khích trong các giờ thuyết trình thảo luận và giảng viên hướng dẫn cũng sẽ cảm thấy được khích lệ khi các bạn đặt câu hỏi. Vì việc sinh viên đặt câu hỏi thể hiện rằng bạn đã nghiên cứu bài học, đã chuẩn bị bài trước khi đến lớp và bạn có hứng thú với kiến thức đó.

Sinh viên lớp Kế toán Kiểm toán thảo luận về Bảo hiểm

Thuyết trình thảo luận còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng mềm. Khi sinh viên chủ động thảo luận, thậm chí là tranh luận sẽ giúp các bạn sinh viên rèn luyện được kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày một vấn đề hay kỹ năng tranh luận, phản biện vấn đề… Những kỹ năng này sẽ rất giúp ích cho các bạn trong công việc sau này, vì chúng giúp bạn thể hiện được kiến thức, năng lực và đặc biệt là sự chủ động trong công việc cũng giống như các bạn đang chủ động trong việc học tại trường vậy. Cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ nhiều hơn rất nhiều nếu sinh viên hiểu được sức ảnh hưởng của những kỹ năng mềm ấy. 

(GV. Nguyễn Thị Mai Linh – Khoa Quản trị kinh doanh)

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên